Thực hiện Phương hướng hoạt động năm 2025 của Trường Trung cấp Phật học Đại Tòng Lâm, sáng ngày 05/6/2025, Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức chương trình học ngoại khóa, tham quan, nghiên cứu lịch sử một số di tích Phật giáo trong tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhằm giúp cho cho Tăng Ni sinh trải nghiệm, bổ sung kiến thức về lịch sử Phật giáo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu trước khi tốt nghiệp ra trường.
Đoàn do Thượng tọa Thích Nhuận Nghĩa, Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, Phó Hiệu trưởng Thường trực nhà trường làm trưởng đoàn; cùng chư tôn đức Ban Giám hiệu, Ban Điều hành và hơn 100 Tăng Ni sinh lớp Cao đẳng Phật học và lớp Trung cấp Phật học cùng đi.
Điểm đến đầu tiên: Thác Hòa Bình (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc). Thác Hòa Bình còn nhiều vẻ hoang sơ, khung cảnh thiên nhiên thật yên bình. Dòng thác trong vắt, chảy lượn qua những khe đá lớn nhỏ tạo thành gợn nước trắng xóa. Nhiều chủng loại cây xanh hai bên suối còn ẩn trong sương mờ. Tại đây, sau những lời hướng dẫn của Thượng tọa Trưởng đoàn Thích Nhuận Nghĩa, các Tăng Ni sinh đã có gần 2 giờ đồng hồ trải nghiệm thực tế, hoà mình vào thiên nhiên hùng vỹ, lắng nghe âm thanh của của núi rừng, tiếng suối reo, tiếng chim hót líu lo, tiếng ve mùa hè râm rang; chánh niệm trong từng hơi thở với bầu không khí trong lành, cảm nhận sự bình an nội tại.
Điểm đến thứ 2: Thích Ca Phật Đài (TP. Vũng Tàu): Thượng tọa Thích Giác Trí, Uỷ viên HĐTS, Phó Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đặc trách hệ phái Nam tông, Giáo thọ sư bản trường phụ trách môn lịch sự Phật giáo Đông Nam Á đã tiếp đón nồng hậu và giới thiệu tổng quan về di tích Thích Ca Phật Đài. Theo đó, Thích Ca Phật Đài nằm trên mạn sườn phía Bắc của Núi Lớn, Cổng lớn quay về hướng đường Trần Phú. Toàn thể khuôn viên cụm kiến trúc rộng 28 hecta bao gồm các chùa Hộ pháp, Thiền Lâm, Di Lặc, Viên Thông và các cụm vườn tượng mô tả cuộc đời Đức Phật được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích cấp Quốc gia vào năm 1989.
Ngoài ra, Thượng tọa cũng cho biết thêm nguồn gốc cây Bồ đề, bảo tháp thờ xá lợi Phật và ý nghĩa việc thờ xá lợi Phật. Cây Bồ đề được Đại đức Narada Maha Thera chiếc từ một cây Bồ đề tại đất nước Tích Lan (được chiếc từ cây Bồ đề gốc ở Ấn Độ, nơi Đức Phật thành đạo) mang đến trồng tại đây khi Ngài trở lại thăm núi Lớn và lưu lại hoằng pháp vào năm 1960. Bảo tháp thờ xá lợi Đức Phật được khởi công xây dựng từ tháng 7 năm 1961 và khánh thành vào tháng 3 năm 1963 sau 19 tháng thi công. Bảo tháp Xá-lợi Phật hình bát giác cao 17 m, trên có búp sen, bên trong đặt 13 viên xá lợi Đức Phật do Hòa thượng Narada Maha Thera phát tâm cúng dường. Việc tôn thờ xá lợi đức Phật giúp cho Tăng Ni, Phật tử phát khởi tín tâm kiên cố, tinh tấn thực hành giáo pháp, tăng trưởng công đức. Bên cạnh đó, Thượng tọa cũng chia sẽ thêm cho Tăng Ni sinh cách nhận biết xá lợi đức tin và xá lợi thật của Phật, xá lợi các vị thánh Tăng, các vị có công đức tu hành.

Sau khi rời di tích Thích Ca Phật đài, đoàn đến thăm Căn cứ Minh Đại, tìm hiểu Bảo tháp tổ Bảo Tạng. Trước bảo tháp uy nghiêm, rêu phong cổ kính, Tăng Ni sinh được lắng nghe Thượng tọa Trưởng đoàn Thích Nhuận Nghĩa chia sẻ về hành trạng tổ sư Bảo Tạng. Theo đó, Tổ sư Hải Bình – Bảo Tạng, thế danh Huỳnh Văn Yết, sinh ngày 14 tháng 8 năm Mậu Dần (1818), là một vị cao tăng triều Nguyễn, thuộc thiền phái Lâm Tế Liễu Quán, đời pháp thứ 40. Ngài xuất thân từ Tổ Đình Long Sơn Bát Nhã (Phú Yên), là đệ tử của Đức Tăng Cang Hòa Thượng Tánh Thông Giác Ngộ (1774-1842). Ngài đã được Hòa thưởng Bổn sư trao truyền diệu pháp và cho tham phương học đạo với các vị Cao Tăng đương thời.

Tiếp đó, Ngài cùng hai sư huynh là Tổ sư Bảo Thanh và Bảo Chân vân du hoằng hóa vào Nam. Tổ sư đến núi Trà Bang (làng Bình An, Phú Quí, Phan Rang) tu hành. Đến vùng Vĩnh Hảo, lập chùa Linh Sơn để hoằng dương Phật pháp ở vùng Phan Rang, Phan Rí. Đến núi Cổ Thạch thuộc xã Bình Thạnh – huyện Tuy Phong, khai sơn chùa Trà Cang, đến núi Châu Viên ở huyện Long Đất, Bà Rịa-Vũng Tàu lập chùa Châu Viên Sơn và chùa Ngọc Tuyền trên núi Kỳ Vân. Sau đó, Tổ sư còn trùng tu và trụ trì nhiều chùa khác ở vùng Bà Rịa như chùa Long An, chùa Bửu An, chùa Long Hưng… Khoảng năm 1861 đến năm 1868 thì Tổ sư trở lại Phú Yên làm Đường đầu Hòa thượng tại giới đàn chùa Long Quang, trụ trì chùa Thạch Sơn và tại đây, Ngài đứng in bản dịch nôm kinh Kim Cang, Kim Cang Diễn nghĩa và Tâm kinh Bát nhã. Sau đó, sư trở vào Nam trụ trì chùa Long Hòa, Ngọc Tuyền cho đến khi viên tịch (ngày 25-5 năm Nhâm Thân – 1872. Tứ chúng đệ tử phụng lập Bảo Tháp (trong khuôn viên chùa Ngọc Tuyền) để tưởng nhớ ân đức Tổ sư, Người đã có công lớn trong việc đưa đạo Phật vào miền đông nam bộ, kiến lập nhiều cơ sở tự viện làm nền móng cho sự hình thành, phát triển Phật giáo tại các tỉnh miền trung và miền đông nam bộ. (Hiện nay Bảo tháp Tổ Bảo Tạng nằm trong khuôn viên đền thờ liệt sĩ ở núi Minh Đạm, khu di tích lịch sử Quốc Gia, thuộc khu phố Hải Sơn, Thị trấn Phước Hải, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).


Rời khu ngôi Bảo tháp cổ kính trong sự hoài niệm ân đức Tổ sư, Đoàn đến tham quan tịnh xá Linh Quang (Hòn Một) phía dưới chân núi Minh Đạm. Tại đây, các Tăng Ni 2 lớp Cao đẳng và lớp Trung cấp lắng nghe lời chia sẻ, sách tấn của Hòa thượng Thích Thông Luận, trụ trì thiền viện Chân Nguyên, Thượng tọa Thích Minh Luận trụ trì tịnh xá Linh Quang cũng như chư tôn đức Ban Giám hiệu. Đồng thời Tăng Ni sinh 2 lớp Cao đẳng và Trung cấp có dịp giao lưu, ôn lại kiến thức gặt hái được tại trong suốt chuyến đi và phát biểu cảm tưởng sau chuyến đi.
Chương trình ngoại, tham quan, tìm hiểu một số di tích lịch sử Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu do Ban Giám hiệu tổ chức mang lại nhiều ý nghĩa và để lại những ấn tượng sâu sắc đối với Tăng Ni sinh 2 lớp Cao đẳng và Trung cấp Phật học. Trải nghiệm thực tại, bổ sung kiến thức lịch sử, văn hóa Phật giáo tỉnh nhà; kết nối tình thân, thêm sự hiểu biết, cảm thông giữa Thầy và trò, giữa các huynh đệ đồng học… Sau chuyến đi, Tăng Ni sinh bắt đầu vào mừa An cư kiết hạ, sau đó học kỳ cuối và bị thi tốt nghiệp vào cuối năm nay.

